Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Tính toán thiết kế đồ gá

Khi thiết kế đồ gá cần chú ý khả năng chế tạo và lắp ráp cũng như các kết cấu đồ gá tiêu chuẩn, đồng thời phải chú ý đến kết cấu và tính năng của máy sẽ lắp đặt đồ gá.

1 THÀNH PHẦN CỦA ĐỒ GÁ
Trong phạm vi đồ án môn học chúng ta chỉ nghiên cứu đồ gá gia công cắt gọt, tức là đồ gá và kẹp chặt chi tiết khi gia công trên máy cắt. Đồ gá gia công có nhiều loại khác nhau: đồ gá vạn năng, đồ gá chuyên dùng, đồ gá vạn năng - lắp ghép, đồ gá vạn năng - điều chỉnh, đồ gá gia công nhóm v.v... Nhưng tất cả các loại đồ gá này đều cấu tạo từ những bộ phận nhất định.

Tính toán thiết kế đồ gá
Tính toán thiết kế đồ gá



1.1 Cơ cấu, chi tiết định vị
Cơ cấu định vị dùng để xác định vị trí tương đối của chi tiết so với máy hoặc dụng cụ cắt. Cơ cấu này bao gồm các loại chốt tỳ, chốt trụ ngắn, chốt trụ dài, chốt trám, khối V, trục gá v.v...
1.2 Cơ cấu kẹp chặt
Cơ cấu kẹp chặt có tác dụng giữ cho chi tiết không bị xê dịch khi gia công. Cơ cấu kẹp chặt được chia ra nhiều loại.
a) Phân theo cấu trúc
- Cơ cấu kẹp đơn giản (do một chi tiết thực hiện).
- Cơ cấu kẹp tổ hợp (do hai hay nhiều chi tiết thực hiện, ví dụ như: ren ốc - đòn bẩy, đòn bẩy - bánh lệch tâm, v.v...).
b) Phân theo nguồn lực
- Cơ cấu kẹp ren vít.
- Cơ cấu kẹp cơ khí (hơi ép, kẹp bằng chân không, kẹp bằng điện tử và ghép các loại này với nhau).
- Cơ cấu kẹp tự động
c) Phân theo phương pháp kẹp
- Kẹp một chi tiết hoặc nhiều chi tiết
- Kẹp một lần hoặc nhiều lần tách rời
1.3. Cơ cấu dẫn hướng
Đây là cơ cấu giữ cho hướng tiến dao không bị xê dịch vì lực cắt, lực kẹp, rung động. Cơ cấu này có hai loại bạc dẫn và phiến dẫn và thường được dùng trên các máy khoan, máy doa.
1.4. Cơ cấu so dao
Cơ cấu so dao dùng để điều chỉnh dụng cụ cắt có vị trí tương đối so với bàn máy, đồ gá hoặc chi tiết gia công. Cơ cấu so dao được dùng trên các máy phay và được gọi là cữ so dao.
1.5. Cơ cấu phân độ
Cơ cấu phân độ hay được dùng trên máy khoan và máy phay để quay mâm quay (trên có gá vật gia công) đi một góc để khoan các lỗ hoặc phay các bề mặt cách nhau một góc bằng góc quay.
1.6. Thân gá, đế gá
Thân gá, đế gá có tên gọi khác là các chi tiết cơ sở. Các chi tiết cơ sở thường gọi là các đế hình vuông, hình tròn có răng hoặc có lỗ ren để các chi tiết khác bắt chặt lên nó. Chi tiết cơ sở là chi tiết gốc để nối liền các bộ phận khác nhau thành đồ gá.
1.7. Các chi tiết nối ghép
Đây là các bu lông, đai ốc... dùng để lắp ghép các bộ phận của đồ gá lại với nhau. Các chi tiết này thường được chế tạo theo tiêu chuẩn.
1.8. Cơ cấu định vị kẹp chặt đồ gá trên bàn máy.
Cơ cấu này thường là các then dẫn hướng (ở đồ gá phay, khoan) và rãnh chữ U trên thân đế đồ gá để kẹp chặt đồ gá trên bàn máy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Powered by Blogger